CEO 9X Trương Vĩnh Giang: Vượt qua cám dỗ của lợi nhuận tức thì

Nhưng, một “biến cố” mà ít ai ngờ tới là Việt Nam làm quá tốt trong việc khống chế dịch Covid – 19. Điều này mang lại lợi thế lớn cho nền kinh tế đang phát triển và phụ thuộc nhiều vào khu vực sản xuất hàng hóa như Việt Nam. Tuy nhiên, điều đó lại trở thành “nỗi buồn” của không ít nhà đầu tư khi đặt cược vào “canh bạc” sản xuất khẩu trang…

Gặp Trương Vĩnh Giang tại Hội chợ Vietnam Expo 2021, thoạt nhìn qua ai cũng nghĩ đó là một nhân viên bán hàng thời vụ bởi Giang còn khá trẻ. Chỉ khi hỏi về sản phẩm khẩu trang mang thương hiệu VGH đang được trưng bày tại gian hàng mới thấy cái “say” của chàng trai trẻ này.

Giang có thể dành cả buổi chỉ để nói về chiếc khẩu trang, một sản phẩm mới “hot” gần đây, khi đại dịch Covid – 19 bùng phát. Và đến khi Giang giới thiệu mới biết cậu ta là CEO của Công ty CP Chăm sóc Sức khỏe VG (VGH).

Sinh năm 1995, dường như phần lớn các chàng trai sinh ra trong gia đình có “điều kiện” chưa kịp bước ra khỏi các cuộc ăn chơi. Nhưng Trương Vĩnh Giang lại khác khi quyết định nhảy vào “cơn lốc xoáy” khẩu trang giữa tâm đại dịch Covid – 19, đó là giai đoạn cuối năm 2019 kéo dài đến hết năm 2020.

Bước đi này được nhiều người cho rằng chỉ dành cho những thương nhân lão luyện vì đây là “cuộc thi lướt sóng” lớn trên thị trường vật tư, thiết bị y tế.

Chỉ một con số rất ít mạnh dạn đầu tư nhà máy sản xuất khẩu trang.

Nhìn lại thị trường, từ cuối năm 2019 đến giữa năm 2020 dường như trên thị trường nhà nhà đi buôn khẩu trang. Phần lớn các nhà đầu tư lựa chọn làm thương mại, nghĩa là mua đi bán lại kiếm lợi nhuận ngay tức thì. Một số nhà đầu tư quyết định đầu tư cho dây chuyền sản xuất nhưng đó là những thương nhân, doanh nghiệp đã có sẵn cơ sở sản xuất như các xưởng may mặc, thay vì may quần áo họ chuyển sang may khẩu trang…

Chỉ một con số rất ít mạnh dạn đầu tư nhà máy sản xuất khẩu trang. Họ bắt đầu bước vào thị trường khẩu trang khi trong tay chưa có một khái niệm vì về sản xuất mặt hàng vốn ít được để ý trước thời kỳ phát sinh dịch Covid – 19.

CEO Trương Vĩnh Giang là một trong số ít đó. Đến nay, khi dịch Covid – 19 tại Việt Nam đã tạm thời lắng xuống thì Giang lại trở thành con số hiếm hoi trụ lại với mặt hàng khẩu trang.

Chạy theo đám đông hay cơ duyên nào để Giang quyết định đầu tư vào mặt hàng khẩu trang?

Vợ chồng tôi làm việc cho một hãng thiết bị y tế nước ngoài tại Việt Nam. Đó là một hãng sản xuất thiết bị y tế lớn đang có mặt tại nhiều thị trường trên thế giới. Khi đại dịch Covid – 19 bùng phát lãnh đạo hãng này tại thị trường châu Á yêu cầu chúng tôi đi thu mua khẩu trang số lượng lớn để bán thương mại trong nước và xuất đi một số thị trường nước ngoài.

Thời điểm đầu năm 2020 khẩu trang mua khó lắm. Chúng tôi chia nhau đi khắp cả nước nhưng gom không đủ hàng. Thế là ý tưởng lập xưởng sản xuất khẩu trang nảy sinh. Đem ý tưởng bàn với gia đình cùng một số nhà đầu tư và nhận được sự ủng hộ nên tôi quyết định đầu tư nhà xưởng sản xuất khẩu trang.

Thú thực, ban đầu cũng chỉ là muốn đầu tư nhỏ để “lướt sóng” khi thị trường khan hiếm. Thời điểm đó tôi đi khảo sát thì thấy quá nhiều người đầu tư dây chuyền sản xuất khẩu trang nhưng phần lớn là dây truyền đơn giản, chỉ gia công phần hoàn thiện là chính. Mục tiêu của họ cũng như suy nghĩ ban đầu của tôi là làm nhanh, thu lợi nhuận tức thì…

Tuy nhiên, càng đi sâu vào tôi càng thấy tiềm năng lớn ở thị trường khẩu trang. Việt Nam là đất nước nằm trong vành đai nhiệt đới, các bệnh về hô hấp khá nhiều không riêng gì Covid – 19. Hơn nữa, không khí ở các thành phố lớn ngày càng ô nhiễm nên nhu cầu về mặt hàng này sẽ ngày càng cao.

Có thể, thị trường không còn nóng như thời điểm bùng phát dịch Covid – 19 nhưng về lâu dài đây sẽ là mặt hàng sản xuất bền vững.

Hơn nữa, đến thời điểm hiện nay Việt Nam có rất ít, chỉ tính trên đầu ngón tay số lượng thương hiệu khẩu trang lớn, có uy tín trên thị trường và đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu. Còn lại phần lớn là những nhà sản xuất nhỏ lẻ, chạy theo thời vụ… Đó là lí do tôi quyết định đầu tư cho một thương hiệu khẩu trang của Việt Nam đủ lớn, đủ uy tín để tham gia và cạnh tranh được trên thị trường quốc tế.

Có lẽ khó để chia sẻ về lợi nhuận, nhưng sau khi dịch Covid – 19 được khống chế thành công tại Việt Nam nhiều xưởng sản xuất khẩu trang đang giao bán dây truyền sản xuất, thậm chí có nhiều người còn kêu thua lỗ. Vậy Giang có còn ý định sống lâu dài với khẩu trang nữa không?

Có chứ, tôi đã quyết định đầu tư thành một thương hiệu khẩu trang của Việt Nam để canh tranh với các nước nên sẽ sống lâu dài với khẩu trang.

Thời gian vừa qua cũng có nhiều người gọi cho tôi muốn bán xưởng sản xuất, bán máy móc. Thậm chí có người còn dư thừa nguyên liệu sản xuất muốn bán lại cho tôi với giá rẻ nhưng khi kiểm tra thấy không đảm bảo yêu cầu về chất lượng, độ an toàn nên không mua.

Thực sự đến bây giờ tôi chưa lấy lại được vốn đầu tư nhưng đây là con đường dài, không phải là câu chuyện đầu tư lướt sóng. Nếu chỉ đầu tư để hưởng lợi từ đại dịch Covid – 19 chắc chắn tôi đã có lợi nhuận từ lâu và cũng đã buông rồi. Do tính chuyên lâu dài nên đầu tư mạnh hơn, nhiều hơn cho chất lượng, mẫu mã sản phẩm… và chi phí đầu tư cũng cao hơn rất nhiều.

Có thể, thị trường không còn nóng như thời điểm bùng phát dịch Covid – 19 nhưng về lâu dài đây sẽ là mặt hàng sản xuất bền vững

Giang nhìn nhận tương lai của sản phẩm khẩu trang như thế nào. Liệu có được như những gì bạn kỳ vọng?

Chỉ nói riêng trong hạng mục khẩu trang, trong năm 2020 Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 2 tỷ chiếc qua đường chính ngạch, bên cạnh đó các loại vật tư tiêu hao khác như áo choàng phẫu thuật, gang tay, đồ bảo hộ… cũng đạt mức xuất khẩu tăng gấp nhiều lần thời điểm trước đại dịch Covid -19. Như vậy có thể thấy lĩnh vực này có tiềm năng rất cao.

Tuy nhiên, vấn đề chính cần nhìn nhận, đó là chúng ta phải nắm lấy cơ hội này để ghi tên Việt Nam vào bản đồ cung ứng vật tư y tế của thế giới với tư cách là nhà xuất khẩu đáng tin cậy với các sản phẩm chất lượng cao.

Tôi được biết, phần lớn khẩu trang chúng ta xuất khẩu đều ở dạng gia công, khách hàng đang mua hàng hóa của chúng ta theo nhu cầu số lượng chứ chưa phải vì thương hiệu. Đây cũng là điều làm chúng tôi tâm tư và vì thế chúng tôi, song song với việc đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế thì cũng đã ý thức xây dựng thương hiệu mạnh từ sớm, với mẫu mã hiện đại, đa dạng, cùng các sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ cao, đủ sức cạnh tranh với sản phẩm từ các quốc gia phát triển.

Như vậy, mục tiêu của Giang không chỉ nằm trong thị trường Việt Nam. Dự tính bao lâu thì sẽ đưa thương hiệu khẩu trang VGH ra nước ngoài?

Trước hết chúng tôi hướng đến thị trường Việt Nam và muốn phục vụ tốt thị trường trong nước, song song với đó là bắt đầu mở rộng ra các thị trường khó tính hơn như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Ngay tại những quốc gia sản xuất rất nhiều khẩu trang từ đầu đại dịch đến giờ, chúng ta vẫn thấy các loại khẩu trang chưa đạt chuẩn trôi nổi trên thị trường. Tôi có thể tự tin đi trên phố và hỏi vài người đang đeo khẩu trang sẽ dễ dàng nhận ra chiếc khẩu trang họ đang đeo không đạt chuẩn chứ chưa nói đến việc chúng có được thiết kế tối ưu cho người sử dụng hay không.

Giống như câu chuyện của mũ bảo hiểm của Việt Nam nhiều năm trước, chúng ta cần phải nâng cao nhận thức của người tiêu dùng rồi mới đến tầm nhìn của những nhà sản xuất. Khẩu trang có thể là một món đồ rất nhỏ, nhưng nếu người người ra đường đều đeo khẩu trang và khẩu trang bán ra đều đạt chất lượng cao, thì cả nền kinh tế sẽ được hưởng lợi.

Đeo khẩu trang giúp người dân phòng tránh được rất nhiều bệnh lây qua đường hô hấp, giảm thiểu ảnh hưởng của bụi mịn và bụi siêu mịn. Sức khỏe người dân tăng lên thì nền y tế cũng sẽ được giảm tải, chi phí cho y tế của người dân cũng giảm xuống. Có thể chúng ta vừa nhắc đến những con số xuất khẩu vĩ mô rất đáng mừng, nhưng tôi nghĩ những thay đổi nhỏ cũng sẽ tạo nên giá trị lớn.

Trong những năm tới chúng tôi sẽ là tiếp tục tham gia các hoạt động nâng cao nhận thức người tiêu dùng về khẩu trang chất lượng cao, cũng như mang đến nhiều hơn những sản phẩm khẩu trang tốt ra thị trường. Nếu chúng ta làm tốt từ bước này, tôi tin các đối tác quốc tế sẽ chủ động tìm đến với chúng ta, sớm hay muộn.

Với chúng tôi, khẩu trang chỉ là bước khởi đầu. Về lâu dài chúng tôi sẽ mở rộng ra sản xuất thêm nhiều sản phẩm, thiết bị y tế khác. Hiện nay chúng tôi đã lên lộ trình cho thương hiệu thiết bị y tế VGH…

Tôi còn trẻ, tương lai còn rất dài phía trước nên không có gì phải nóng vội. Làm kinh doanh, khi bạn đã bước qua được cám dỗ của những khoản lợi nhuận tức thì bạn có thể đi xa hơn với những khoản lợi nhuận lớn, vững bền trong tương lai…

Nguộn: VnEconomy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0905.854.988