Hướng dẫn chi tiết cách mở quán cà phê cho người lần đầu kinh doanh.

Bạn rất muốn kinh doanh bằng cách mở quán cà phê nhưng không biết phải làm thế nào hay phải bắt đầu từ đâu? Hãy yên tâm! Chỉ cần bạn nắm vững các bước sau, bạn sẽ có được một lộ trình rõ ràng để tiến hành công việc kinh doanh quán cà phê của bạn.

Bước 1: Lên ý tưởng:

Trước tiên bạn phải xác định loại quán cà phê mà bạn muốn mở dựa trên các tiêu chí sau:

Đối tượng: Quán hướng đến đối tượng khách hàng nào? Độ tuổi của đối tượng khách hàng đó? Đặc trưng tính cách, nghề nghiệp của khác hàng mà bạn hướng tới là gì?

Phong cách: Phong cách quán phải như thế nào để phù hợp với đối tượng khách hàng mà bạn hướng tới? Ví dụ bạn hướng tới khách lứa tuổi teen thì quán phải trẻ trung, sôi động, nhí nhảnh… Nếu bạn hướng tới lứa tuổi trung niên thì quán nên có phong cách hoài cổ, yên tĩnh…Nếu quán cà phê của bạn chủ yếu phục vụ khách bình dân thì bạn có thể sử dụng bàn ghế nhựa để tiết kiệm chi phí, nếu quán hướng tới khách sang trọng thì nên lựa chọn bàn ghế kiểu cách, đắt tiền. Bạn có hướng tới một phong cách đặc biệt nào không, ví dụ như cà phê sách, cà phê mèo, cà phê nhạc sống, cà phê cho các đôi yêu nhau…

Không gian: Bạn dự định xây dựng quán theo hướng cà phê vườn, cà phê phòng kín máy lạnh hay cà phê vỉa hè?

Sự khác biệt: Bạn có ý tưởng mới lạ nào khác biệt với các quán cà phê khác hay không? Hãy cân nhắc mức độ khả thi (về chi phí, sự chấp nhận của khách hàng…) đối với ý tưởng đó.

Lợi thế: Bạn có lợi thế gì so với những quán cà phê khác? Ví dụ nếu như bạn là người giao thiệp rộng, có nhiều bạn bè và đồng nghiệp thì những người đó sẽ là những khách hàng ủng hộ quan trọng trong giai đoạn đầu bạn phát triển quán.

Bước 2: Điều tra thị trường:

Đánh giá tình hình kinh tế, mật độ dân số, sở thích của cư dân nơi bạn định kinh doanh. Theo các nghiên cứu chuyên sâu về tiêu thụ cà phê ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thì độ tuổi uống cà phê đa số đều dưới 40, trong đó ở Hà Nội, người uống cà phê chỉ yếu thuộc tầng lớp trí thức trong khi ở TP. Hồ Chí Minh, những người thích uống cà phê phân bố rộng trong nhiều tầng lớp dân cư khác nhau.

Bạn cũng có thể đi uống cà phê tại một số quán và khéo léo hỏi thăm về tình hình buôn bán của họ để có một cái nhìn sơ bộ về thị trường cũng như mức độ cạnh tranh.

Bước 3: Xác định tình hình tài chính của bạn:

Bạn cần phải trả lời những câu hỏi sau:

– Nguồn vốn: Do một mình bạn bỏ ra? Do bạn và người khác cùng góp? Nguồn vốn bạn nhận được từ một nguồn đầu tư?

– Số vốn tối đa và tối thiểu bạn có thể bỏ ra là bao nhiêu?

– Bạn có thể chịu lỗ bao nhiêu trước khi phá sản?

Bước 4: Tìm kiếm mặt bằng:

Xác định khu vực mà bạn muốn mở quán cà phê: căn cứ vào nhiều yếu tố như mức độ cạnh tranh ở khu vực đó, giá thuê mặt bằng ở khu vực đó rẻ hay dắt, nơi đó có gần khu chung cư, công sở, trường học… hay không.

Một vài mẹo nhỏ khi tìm kiếm mặt bằng:

– Nêu tìm kiếm trước những nơi cho thuê mặt bằng kinh doanh hoặc cho thuê nhà nguyên căn trên mạng Internet. Giả sử bạn xác định mở quán cà phê ở quận 3 chẳng hạn, bạn lên mạng tra tìm những nơi cho thuê mặt bằng, ghi chú lại danh sách những địa điểm mà bạn cảm thấy ưng ý vào một tờ giấy hoặc một cuốn sổ, sau đó trực tiếp đi tới những địa điểm đó để xem xét tận mắt và nói chuyện với người cho thuê.

– Không nên mở quán trên đường một chiều.

– Góc ngã tư hoặc ngã ba là những địa điểm rất tốt, tuy nhiên giá thuê mặt bằng ở những nơi này cao hơn rất nhiều so với những nơi khác.

– Nếu bạn không đủ chi phí để thuê địa điểm mặt tiền, bạn có thể tìm các vị trí trong hẻm, ưu tiên hẻm lớn, dễ tìm, sạch sẽ.

– Lựa chọn mặt bằng cũng phụ thuộc vào loại hình quán và khách hàng mục tiêu của bạn. Ví dụ như nếu bạn hướng tới khách hàng là dân công sở thì nên tìm những địa điểm gần các doanh nghiệp, cơ quan… Nếu bạn hướng tới khách hàng là người trẻ tuổi thì chú ý những địa điểm gần trường đại học. Nếu bạn hướng đến nhiều đối tượng khác nhau thì tìm những địa điểm gần khu dân cư.

– Phong thủy cũng là yếu tố nên xem xét. Nhiều vị trí trông có vẻ rất đẹp nhưng khi tiến hành kinh doanh thì lại rất ít khách.

– Nếu bạn thuê lâu dài, bạn có thể mặc cả với chủ cho thuê để được giảm giá.

– Địa điểm quán không nên cách quá xa nơi bạn sinh sống để bạn có thể tiện quản lý và kiểm tra hoạt động của quán hàng ngày. Nếu bạn có thể chuyển đến ở ngay tại quán luôn thì càng tốt.

– Chú ý đến vấn đề gửi xe của khách. Một địa điểm có hầm gửi xe hoặc có khu sân rộng, vỉa hè rộng mới có thể đáp ứng nhu cầu gửi xe khi đông khách.

Bước 5: Xác định mục tiêu kinh doanh:

Mục tiêu kinh doanh cần phải xác định một cách khách quan và cẩn thận dựa trên những thông tin bạn thu thập được và tình hình cụ thể của bạn.

Bạn đặt mục tiêu bao nhiêu khách một ngày? 50? 100? 150? Hoặc cao hơn?

Mỗi ly cà phê, mỗi ly nước bạn dự định lời bao nhiêu?

Doanh thu hàng tháng dự kiến là bao nhiêu?

Tỉ suất lợi nhuận là bao nhiêu phần trăm?

Bước 6: Xác định số lượng nhân viên:

Nếu bạn muốn bắt đầu một quán cà phê nhỏ, bạn có thể thuê 1 nhân viên chuyên pha chế, 1 hoặc 2 nhân viên phục vụ và thu ngân, 1 nhân viên vừa trông xe vừa bảo vệ. Bạn có thể trực tiếp quản lý hoặc ủy quyền cho một người trong gia đình bạn làm quản lý. Nếu không, bạn buộc phải thuê thêm 1 nhân viên quản lý, tốt nhất nên chọn người mà bạn có thể tin tưởng.

Với một quán lớn hơn thì bạn phải thuê nhiều nhân viên hơn.

Bước 7: Nghiên cứu và xây dựng thực đơn:

Tùy thuộc vào đối tượng khách hàng mục tiêu, quy mô quán, phong cách quán và khả năng của bạn mà bạn có thể xây dựng thực đơn cho phù hợp:

Bạn chỉ bán nước uống hay bán kèm cả các món ăn?

Bạn chỉ bán các loại cà phê hay bán thêm cả nước ngọt và các loại thức uống khác như sữa chua, nước dừa, nước chanh, trà sữa, thạch rau câu…?

Thực đơn quá nhiều món chưa chắc đã tốt. Nếu bạn cảm thấy thiếu tự tin về một món nào đó hoặc thấy món đó vượt quá khả năng của bạn, hãy loại bỏ nó ra khỏi menu.

Xác định giá cả cho từng món. Giá cả phụ thuộc vào loại hình và phong cách quán, ví dụ quán bình dân thì giá cả không được quá đắt, quán phong cách sang trọng thì bạn có thể nâng giá lên cao.

Nếu bạn có kỹ năng đồ họa, bạn có thể tự thiết kế thực đơn. Nếu không, hãy thuê người thiết kế.

Bước 8: Tính toán chi phí:

Chi phí bao gồm 2 phần: chi phí cố định ban đầu và chi phí hàng tháng.

Chi phí cố định ban đầu bao gồm: chi phí đặt cọc mặt bằng (nhiều nơi cho thuê bắt bạn phải đặt cọc, thường là đặt cọc 2 tháng), chi phí sơn sửa quán, chi phí mua bàn ghế, ly cốc, các loại máy móc pha chế, vật trang trí, chi phí thiết kế và in thực đơn (menu)…

Để tính chính xác chi phí, bạn phải xác định rõ ràng chủng loại và số lượng các loại dụng cụ, máy móc, đồ trang trí… mà bạn sẽ mua. Các vật dụng cơ bản thường bao gồm: tủ mát/tủ lạnh, máy vắt cam, máy lọc nước, máy đánh trứng, máy ép, máy xay sinh tố, lò vi sóng, bếp, dụng cụ pha chế (chai lọ, bình lắc, ca đánh sữa…), các loại ly cốc tương ứng với từng thức uống, bàn ghế, máy tính tiền, tranh ảnh, các vật dụng trang trí khác…

Chi phí hàng tháng bao gồm: tiền lương cho nhân viên, tiền mua nguyên liệu pha chế, tiền điện nước internet, tiền thuê mặt bằng hàng tháng…

Bước 9: Đăng ký kinh doanh:

Bạn cần “Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh” và “Bản sao chứng minh thư nhân dân của cá nhân, người đại diện hợp pháp của hộ gia đình kinh doanh.”.

Nội dung của của giấy đề nghị sẽ bao gồm:

– Tên hộ kinh doanh, địa chỉ địa điểm kinh doanh;

– Ngành, nghề kinh doanh;

– Số vốn kinh doanh;

– Họ, tên, số và ngày cấp Giấy chứng minh nhân dân, địa chỉ nơi cư trú và chữ ký của cá nhân hoặc đại diện hộ gia đình.

Ngoài ra, nếu chủ sở hữu công ty đang sở hữu một công ty, thì có thể tiến hành việc mở thêm cơ sở kinh doanh.

Mặt khác, để quán cafe được đưa vào kinh doanh chính thức, cần phải có chứng nhận của chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm nơi quán cafe đó đóng. Hồ sơ xin chứng nhận của chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ được tiến hành theo các quy định của pháp luật.

Bước 10: Hoàn thiện quán cà phê và giải quyết những vấn đề liên quan:

Trang trí quán theo phong cách bạn lựa chọn.

Mua bàn ghế, ly cốc, máy pha chế, các vật dụng cần thiết khác.

Phòng vấn và tuyển dụng nhân viên.

Lắp đặt internet, máy lạnh, TV (cho khách xem bóng đá) nếu cần thiết.

Sử dụng các mối quan hệ tìm đến những nhà cung cấp nguyên liệu để thực hiện đồ uống theo danh sách thực đơn. Việc tìm được nhà cung cấp với giá cả phải chăng sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho sự khởi đầu của quán, nó sẽ giúp bạn có những đồ uống giá thành thấp, tăng sức cạnh tranh hơn, đồng nghĩa tối ưu hóa lợi nhuận.

Hãy đảm bảo chắc chắn tất cả các bộ phận phối hợp với nhau ăn ý và các nhân viên được đạo tạo pha chế đồ uống một cách bài bản và được kiểm tra trình độ kĩ lưỡng trước ngày khai trương.

Bước 11: Chọn ngày khai trương và bắt đầu kinh doanh:

Tới bước này thì coi như mọi thứ về cơ bản đã hoàn thành. Giai đoạn chuẩn bị đã kết thúc, mở ra một giải đoạn mới : giai đoạn thực sự kinh doanh.

Chúc các bạn kinh doanh thành công với quán cà phê của mình!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0905.854.988